Để thuận lợi nhập cảnh Việt Nam, du khách và những người có nhu cầu cần nắm vững những điều cần biết để đảm bảo quyền lợi và tiện ích của mọi bên. Thủ tục cần làm và những quy định đang áp dụng hiện nay ra sao, hãy cùng TuDienDuLich tìm hiểu nhé.
Những ai được phép nhập cảnh Việt Nam?
Theo quy định hiện tại, tất cả công dân người nước ngoài đều được phép nhập cảnh Việt Nam, trừ những trường hợp bị cấm nhập cảnh hoặc hạn chế nhập cảnh theo quy định của pháp luật như người bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 3 năm, người không có hộ chiếu… Mọi người nước ngoài có thể đến Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau, bao gồm:
- Chuyên gia nước ngoài
- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
- Nhà đầu tư
- Người thăm thân, thăm quan du lịch, tham dự hội họp, hội nghị, v.v…
Cách xin visa nhập cảnh vào Việt Nam
Người nước ngoài có thể tự xin visa nhập cảnh hoặc thông qua các công ty du lịch. Để tự xin visa du lịch tự túc, chỉ cần truy cập vào cổng thông tin Dịch Vụ Công Quốc Gia, đăng ký tài khoản sau đó sẽ được điều hướng sang link https://evisa.xuatnhapcanh.gov.vn/ > Chọn e-visa > Chọn For Foreigners và làm theo các bước hướng dẫn.
Người xin visa có thể sẽ phải bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của Cổng dịch vụ công quốc gia (nếu có) trong quá trình chờ kết quả. Bạn sẽ nhận kết quả online trên cổng dịch vụ công quốc gia sau 5 ngày làm việc và tải file công văn nhập cảnh.
Đối với người nước ngoài muốn đến làm việc, học tập, đầu tư thì cần có bảo lãnh từ các cá nhân, tổ chức theo quy định của Luật Nhập Cảnh, Xuất Cảnh, Quá Cảnh, Cư Trú Của Người Nước Ngoài Tại Việt Nam.
Vậy, những ai được bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam?
Những cá nhân, công ty, tổ chức được mời hoặc bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam bao gồm:
- Các công ty, doanh nghiệp như Công ty TNHH, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh, Hợp tác xã (bao gồm cả công ty trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài).
- Các đơn bảo lãnh theo ủy quyền như chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
- Các tổ chức có trụ sở tại Việt Nam như tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, đoàn thể, hiệp hội, v.v…
- Các cá nhân là công dân Việt Nam (không bị hạn chế quyền công dân) và người nước ngoài đang tạm trú hoặc thường trú tại Việt Nam có quyền bảo lãnh mời thân nhân nhập cảnh Việt Nam.
Hồ sơ bảo lãnh xin công văn nhập cảnh Việt Nam cho chuyên gia, người lao động, nhà đầu tư, dự hội thảo, hội nghị, v.v… do tổ chức, doanh nghiệp bảo lãnh bao gồm:
- Bản sao có chứng thực Giấy phép hoạt động tổ chức doanh nghiệp bảo lãnh.
- Mẫu đăng ký con dấu và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của tổ chức, doanh nghiệp theo mẫu NA16 (Đối với trường hợp nộp lần đầu).
- Công văn xin nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài theo mẫu NA2. Tờ khai này khai online tại trang web chính thức của Cục quản lý xuất nhập cảnh, in và ký đóng dấu của doanh nghiệp tổ chức theo quy định.
Trường hợp công dân Việt Nam bảo lãnh cho thân nhân là người nước ngoài, hồ sơ bao gồm:
- Đơn xin Công văn nhập cảnh Việt Nam diện thăm thân theo mẫu NA3.
- Bản chứng thực thẻ căn cước của người bảo lãnh.
- Bản chứng thực giấy tờ chứng minh quan hệ thân nhân như giấy khai sinh đối với trẻ em, bố mẹ, giấy đăng ký kết hôn đối với vợ chồng, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận gia đình, v.v…
Thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam
Công văn nhập cảnh Việt Nam sẽ ghi nơi nhận visa là ở Đại sứ quán, Lãnh sự quán hoặc tại sân bay (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Cát Bi, v.v…) hoặc tại cửa khẩu đường Bộ (Mộc Bài, Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Cầu Treo, Lao Bảo, Bờ Y, v.v…), tuỳ theo nơi nhập cảnh đã đăng ký.
Tại nơi nhận visa nhập cảnh, người nước ngoài cần xuất trình:
- Hộ chiếu gốc còn thời hạn trên 6 tháng.
- Công văn nhập cảnh Việt Nam (bản in trên khổ giấy A4 hoặc bản điện tử trên điện thoại).
- Tờ khai NA1 có dán ảnh 4x6cm.
- Nộp lệ phí visa.
Người nhập cảnh tại các khu kinh tế cửa khẩu cần xuất trình: Giấy thông hành biên giới hợp lệ và các giấy tờ hợp lệ khác theo quy định của pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế giữa Việt Nam với các nước láng giềng còn thời hạn ít nhất 45 ngày.
Trên đây là những quy định và các bước nhập cảnh Việt Nam mới nhất dành cho đối tượng người nước ngoài. Nếu bạn còn bất cứ điều gì cần biết về những thủ tục nhập cảnh và cư trú tại Việt Nam, đừng quên theo dõi TuDienDuLich nhé.